Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn tăng mạnh cả về lượng và trị giá trong tháng 8/2019

Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn tăng mạnh cả về lượng và trị giá trong tháng 8 2019

Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 8/2019 đạt 180,72 nghìn tấn, trị giá 71,82 triệu USD, tăng 88,2% về lượng và tăng 70,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, từ đầu tháng 9/2019 đến nay, giá sắn nguyên liệu tại các vùng tăng nhẹ do nguồn cung về nhà máy giảm. Hiện nhiều nhà máy khu vực Tây Ninh và Tây Nguyên bước vào sản xuất vụ mới 2019 – 2020, nhưng nguồn nguyên liệu củ sắn tươi đầu vụ chưa ổn định và độ bột thấp.

Tại Tây Ninh, giá sắn thu mua tại máy dao động quanh mức 2.450 – 2.700 đồng/ kg. Hiện nay, sắn đất cao tại Tây Ninh đang được thu hoạch rộ, năng suất khá cao, đạt bình quân khoảng 30 tấn/ha do năm nay mức độ lây nhiễm của bệnh khảm lá sắn nhẹ hơn so với năm 2018. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, cây sắn bị thiếu nước nên trữ độ bột của sắn đạt thấp, chỉ phổ biến từ 20-21% độ bột.

Năng suất sắn niên vụ 2019 – 2020 tại một số vùng trồng chính như Gia Lai, Phú Yên, Quảng Ngãi, Kon Tum có thể giảm tới gần 50% do dịch bệnh và thời tiết khô hạn, cao hơn rất nhiều so với ước tính ban đầu.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 8/2019 xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 180,72 nghìn tấn, trị giá 71,82 triệu USD, tăng 88,2% về lượng và tăng 70,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; giá xuất khẩu bình quân ở mức 397,4 USD/tấn, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2018. 

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,54 triệu tấn, trị giá 598,27 triệu USD, giảm 8,2% về lượng và giảm 5,7% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân đạt 388,2 USD/tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Tính riêng mặt hàng sắn, trong tháng 8/2019 đã xuất khẩu được 8,79 nghìn tấn, trị giá 2,49 triệu USD, giảm 27,6% về lượng và giảm 30,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; giá xuất khẩu bình quân đạt 275,4 USD/tấn, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. 

Tính chung 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sắn đạt 257,99 nghìn tấn, trị giá 55,3 triệu USD, giảm 55,7% về lượng và giảm 56,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, giá xuất khẩu bình quân đạt 214,4 USD/tấn, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Tháng 8/2019, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang các thị trường đều tăng mạnh so với tháng 8/2018, trừ thị trường Hàn Quốc giảm. Trong đó, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc đạt 162,46 nghìn tấn, trị giá 64,78 triệu USD, tăng 117% về lượng và tăng 92,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; giá xuất khẩu trung bình ở mức 398,8 USD/tấn, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2018. 

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc đạt 1,35 triệu tấn, với trị giá 530,3 triệu USD, giảm 7,5% về lượng và giảm 3,5% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân ở mức 390,4 USD/tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2018, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 88,1% tổng lượng sắn và sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ.

Trong tháng 8/2019, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn tăng là do tồn kho tại các doanh nghiệp ở Trung Quốc thấp đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu. Trong khi, nhu cầu mua tinh bột sắn từ thị trường Trung Quốc có xu hướng tăng do nhiều nhà máy chế biến thực phẩm sẽ chạy lại từ đầu tháng 9/2019 nhằm phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng mạnh vào dịp Lễ Tết cuối năm. Ngoài ra, giá xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam đang thấp hơn so với Thái Lan nên một số khách hàng Trung Quốc chuyển qua mua tinh bột sắn của Việt Nam nhiều hơn.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo, do thời tiết khô hạn đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các vùng trồng sắn chính của Việt Nam, Thái Lan và Campuchia, đồng thời bệnh khảm lá sắn tiếp tục lan rộng khiến năng suất sắn niên vụ 2019 – 2020 tại Việt Nam, Thái Lan và Campuchia không đạt như kỳ vọng, mặc dù diện tích sắn trồng mới được thống kê tăng khá mạnh ở hầu hết các vùng. Do đó, niên vụ 2019 – 2020, các nhà máy chế biến tinh bột sắn tại khu vực Tây Ninh và Tây Nguyên sẽ tiếp tục gặp khó khăn về vấn đề nguyên liệu.

Từ tháng 9/2019, thị trường tinh bột sắn có thể sẽ sôi động hơn khi nguồn cung tinh bột nội địa tăng và nhu cầu mua từ phía Trung Quốc tốt hơn. Tuy nhiên, những bất ổn do căng thẳng thương mại và sự mất giá của đồng Nhân dân tệ khiến các doanh nghiệp Việt Nam lẫn Trung Quốc đều giao dịch thận trọng, chờ thêm diễn biến của thị trường. Theo đó, giá xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ khó tăng mạnh trong ngắn hạn.

Nguồn: Cafef.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

(+84) 909300227